XÁC SUẤT VƯỢT MỐC 1.200 ĐIỂM VẪN ĐƯỢC KỲ VỌNG TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM
02/03/2021Marketing
Theo góc nhìn các chuyên gia, bức tranh chung của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều điểm tích cực. Xác suất vượt mốc 1.200 điểm được đánh giá cao hơn và kỳ vọng sẽ vượt được trong 6 tháng đầu năm.
Thị trường với thách thức mốc 1.200 điểm
Thị trường đã có những phiên khởi sắc đầu năm mới Tân Sửu, chỉ số VN-Index được dự báo sẽ tiệm cận ngưỡng 1.200 điểm. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp lớn công bố thông tin bán cổ phiếu quỹ làm thị trường giảm nhiệt. Bên cạnh đó, dòng tiền sau giai đoạn tăng mạnh từ nửa cuối năm 2020 có lẽ đang gặp tâm lý e ngại khi đứng trước mức đỉnh lịch sử này.
Các chuyên gia cũng nhận định mỗi khi chạm đến điểm này, tâm lý thị trường dễ bị lung lay. Cùng với thời điểm then chốt nhất, khi nhiều tài sản có rủi ro, thị trường chứng khoán lớn vượt đỉnh thì dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong nước. Nhưng theo góc nhìn các chuyên gia, bức tranh chung của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều điểm tích cực. Xác suất vượt mốc 1.200 điểm được đánh giá cao hơn và kỳ vọng sẽ vượt được trong 6 tháng đầu năm.
Khối ngoại bán ròng hơn 2.800 tỷ đồng trong tuần cuối của tháng 2
Khối ngoại đã tác động mạnh tới tâm lý thị trường khi duy trì trạng thái bán ròng mạnh qua từng phiên giao dịch trong tuần cuối cùng của tháng 2. Theo thống kê, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 2.800 tỷ đồng trong tuần qua.
Trên sàn HoSE, khối ngoại thực hiện 5 phiên bán ròng mạnh liên tiếp trong tuần; tổng cộng 82,63 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng lên tới 2.837,94 tỷ đồng. Còn trên sàn HNX, Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng; tổng cộng mua ròng 1,46 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng 36,64 tỷ đồng.
Biến động trên thị trường quốc tế được đánh giá không đáng ngại với TTCK Việt Nam
Nếu so sánh thì VN-Index tuần qua chỉ giảm 0,4%, nhẹ hơn rất nhiều so với các chỉ số quốc tế. Các chuyên gia thống nhất đánh giá rủi ro từ diễn biến của các thị trường bên ngoài sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong nước. Theo các chuyên gia, thị trường trong nước từ khá lâu đã tách biệt đáng kể với thị trường quốc tế. Nguyên nhân khiến chứng khoán quốc tế quay đầu giảm là biến động lợi suất trái phiếu, nhưng đó không phải là yếu tố đáng lo ngại tại Việt Nam. Các yếu tố trong nước được trông đợi sẽ vẫn tạo ảnh hưởng chính đến thị trường, hơn là các yếu tố từ bên ngoài.
Giá trị rủi ro thanh toán được điều chỉnh tăng thêm
Thông tư số 91/2020/TT-BTC đã quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Trong đó Khoản 8, Điều 10 của Thông tư, giá trị rủi ro thanh toán được điều chỉnh tăng thêm trong một số trường hợp. Theo quy định tại Thông tư này, giá trị rủi ro thanh toán là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra khi đối tác không thể thanh toán đúng hạn hoặc chuyển giao tài sản đúng hạn theo cam kết.
(Nguồn tổng hợp: Đầu tư Chứng khoán, VnEconomy)