"Tôi không sợ đàn sư tử được lãnh đạo bởi một con cừu. Nhưng tôi e ngại đàn cừu được dẫn dắt bởi một con sư tử". Câu nói của…
Có bản đồ và biết đích đến
Đầu tháng 6/2020, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 40 triệu cổ phiếu của CTCP Quản lý tài sản Trí Việt (Tập đoàn Trí Việt, TVC). Đây là bước đi đầu tiên trong chiến lược chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE và cũng là khởi đầu nhỏ cho chặng hành trình dài đầy tham vọng phía trước.
Theo đó, chiến lược phát triển của TVC chia làm 2 giai đoạn. Thứ nhất, từ năm 2020 đến khoảng cuối năm 2022, Công ty tập trung cung cấp các dịch vụ tài chính xoay quanh chuỗi hoạt động quản lý tài sản khép kín cho khách hàng với các sản phẩm trọng yếu như kinh doanh nguồn vốn, cho vay repo cổ phiếu, cho vay margin, uỷ thác đầu tư, quản lý tài sản chứng khoán sinh lời cố định…Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc TVC chia sẻ về chiến lược phát triển của Công ty một cách mạch lạc như cầm tấm bản đồ rõ nét trong tay, mà mỗi con đường, mỗi khúc cua đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Hơn thế nữa, đích đến của chặng hành trình đã được định trước, bởi vậy, tốc độ nhanh hay chậm có thể phụ thuộc vào diễn biến thị trường, nhưng định hướng thì không đổi.
Hiện tại, TVC đã xây dựng được chuỗi dịch vụ quản lý tài sản khép kín gồm Tiền – Chứng khoán – Bất động sản, với sự tham gia của công ty con là CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) và công ty liên kết – CTCP Kinh doanh bất động sản Trí Việt.
Ông Tùng cho biết TVC đang sở hữu hệ thống hơn 100 chuyên viên quản lý tài sản với năng lực quản lý vốn vay trên 1,000 tỷ đồng. Mục tiêu trong 3 năm tới sẽ nâng lên 5,000 tỷ đồng.
Giai đoạn thứ hai là từ khoảng cuối năm 2022 trở đi, TVC sẽ tiến hành hoạt động đầu tư thâu tóm tài chính và phi tài chính. Đồng thời kết nối cơ hội đầu tư giữa 300-500 khách hàng doanh nghiệp và khoảng 100 khách hàng VIP (cá nhân sở hữu tài sản trên 1,000 tỷ đồng) đang sử dụng dịch vụ tư vấn quản trị doanh nghiệp và quản lý tài sản của Tập đoàn.
Trong giai đoạn này, TVC sẽ có hứng thú lớn nhất trong việc thâu tóm một ngân hàng và thiết lập định chế ngân hàng đầu tư, cung cấp dịch vụ quản lý tài sản chuyên sâu, nhắm tới nhóm khách hàng VIP.
Theo ông Tùng, chiến lược này được xây dựng dựa trên dòng tư duy của quá trình đầu tư với tầm nhìn dài hạn. Đây là quá trình phát triển tự nhiên của một đơn vị định chế tài chính, hướng tới mẫu hình ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản như một điều tất yếu. Bên cạnh đó, nó thể hiện khát khao chinh phục, cách nghĩ lớn của người thuyền trưởng đam mê với công việc và có mong muốn tạo dựng một định chế ngân hàng đầu tư có tầm vóc quốc tế.
Bộ rễ đủ sâu
Tâm đắc với câu chuyện cây tre dành 5 năm đầu đời chỉ làm một việc là cắm sâu bộ rễ vào lòng đất, để từ đó về sau có thể tăng trưởng nhanh chóng, ông Tùng chia sẻ, TVC đã lựa chọn bước chậm trong 15 năm qua để xây dựng gốc rễ thật tốt. Với bộ máy nhân sự hùng hậu, chất lượng cao, văn hoá doanh nghiệp có chiều sâu, trong thời gian tới, TVC sẽ có đủ nội lực để vươn mình phát triển thành định chế tài chính – đầu tư hàng đầu Việt Nam và tiến quân ra thị trường quốc tế.
Hiện tại, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của TVC là công ty con TVB. Theo Chủ tịch Trí Việt, ông mong muốn tìm kiếm một đối tác chiến lược nước ngoài để gia tăng năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đóng góp tích cực hơn cho bước đi dài hơi của Tập đoàn.
Công ty Chứng khoán Trí Việt đã có kế hoạch tăng vốn lên 700 tỷ đồng trong năm 2020 và lên 1,000 tỷ đồng năm 2021. TVC đã nhận được không ít lời chào mua từ 80-100% cổ phiếu TVB với giá quanh mức 25,000 đồng/cổ phiếu từ các đối tác nước ngoài. Trong tương quan so sánh, từng có công ty chứng khoán có quy mô và vị thế thấp hơn TVB được bán cho nhà đầu tư với giá 20,000 đồng/cổ phiếu, và hiện đang có công ty có quy mô và vị thế ngang TVB đang được bán 70% cho nhà đầu tư chiến lược song hành lâu dài với giá 30,000 đồng/cổ phiếu.
Chiến lược định hình nên một doanh nghiệp và cá nhân người đứng đầu rất quan trọng trong việc biến tầm nhìn thành hiện thực. Tinh thần của Ban lãnh đạo TVC là sẵn sàng chia sẻ lên tới 75.6% cổ phiếu TVB, nhưng vấn đề mấu chốt ở đây là phải chọn lựa được đối tác nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn, trở thành cánh cửa rộng mở cho TVC tiến ra thị trường quốc tế và có thể song hành bền lâu. Có thể nói, TVC tìm người đồng hành để cùng đi nhanh, đúng như triết lý kinh doanh “muốn đi xa phải đi cùng nhau” của doanh nhân Phạm Thanh Tùng.
Với việc chủ động bước chậm trong 15 năm qua, TVC tỏ rõ sự thận trọng với mỗi nấc thang mới trên con đường chinh phục mục tiêu của mình. Đó cũng là lý do cổ đông, nhà đầu tư, cũng như khách hàng của TVC có thể an tâm đặt niềm tin vào hoạt động của TVC – doanh nghiệp bước chậm để tiến xa.
*Khả Doanh Vietstock