SỐ LƯỢNG TÀI KHOẢN MỞ MỚI CAO THỨ 3 TRONG LỊCH SỬ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM, VN-INDEX VẪN CÓ THỂ VƯỢT MỐC 1.200 ĐIỂM
09/03/2021Marketing
Dù giảm so với các tháng trước, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 2 vẫn cao thứ 3 lịch sử Chứng khoán Việt Nam. VN-Index có thể vẫn sẽ hướng đến và thử thách vùng đỉnh cũ 1.200 với động lực từ nhóm Nhà đầu tư Cá nhân trong thời gian tới.
Số tài khoản đầu tư Chứng khoán tương đương 2,99% dân số
Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản Nhà đầu tư mở mới trong tháng 2/2021 là 57.378. Liên tục trong 3 tháng gần đây, số lượng tài khoản mở mới đều ở mức cao, lần lượt đạt 86.017 tài khoản (tháng 1/2021) và 63.075 tài khoản (tháng 12/2020). Dù giảm so với các tháng trước, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 2 vẫn cao thứ 3 lịch sử chứng khoán Việt Nam. Tổng lượng tài khoản tính đến cuối tháng 2 đã tương đương 2,99% dân số.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng trong tuần đầu tháng 3
Khối ngoại trong tuần đầu tháng 3 tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch, “xả” mạnh cổ phiếu bluechip. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 168 triệu cổ phiếu, trị giá 6.502 tỷ đồng, trong khi bán ra 250,8 triệu cổ phiếu, trị giá 9.584 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 82,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 3.082 tỷ đồng.
VN-Index có thể vượt mốc 1.200 điểm với lực kéo từ Nhà đầu tư trong nước
Sau đợt phục hồi nửa cuối tháng 2, hệ số P/E thị trường năm 2021 tăng lên mức 15,1 lần vào ngày 3/3/2021. Vận động của VN-Index sau Tết nguyên đán cho thấy những tín hiệu tích cực hơn về điểm số và khối lượng giao dịch, dù VN-Index vẫn liên tục gặp khó do cung thường trực khi chỉ số tiến về vùng cản tâm lý 1.200 điểm.
Tuy nhiên, các nhịp thoái lui từ vùng cản này vẫn đang được mạnh ở vùng 1.175 – 1.150 điểm, trong khi xu hướng tăng của chỉ số vẫn chưa thay đổi. Vì thế, VN-Index có thể vẫn sẽ hướng đến và thử thách vùng đỉnh cũ 1.200 với động lực từ nhóm Nhà đầu tư Cá nhân trong thời gian tới.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung Quy định cho mùa ĐHĐCĐ năm 2021
- Theo Quy định tại Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, danh sách Cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp nếu điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hơn.
- Luật Doanh nghiệp 2020 yêu cầu người triệu tập họp ĐHĐCĐ phải gửi thông báo mời họp đến tất cả Cổ đông trong danh sách Cổ đông có quyền dự họp chậm nhất là 21 ngày trước ngày khai mạc. So với thời hạn chậm nhất là 10 ngày như quy định tại Luật cũ, thời hạn gửi thông báo mời họp được Luật mới yêu cầu sớm hơn.
- Thông báo mời họp theo quy định mới không cần gửi kèm mẫu giấy ủy quyền dự họp, nhưng Công ty vẫn có thể gửi mẫu khuyến nghị để thuận tiện cho Cổ đông có nhu cầu ủy quyền. Tuy nhiên, nếu Cổ đông sử dụng mẫu khác thì đây không phải là lý do không được dự họp do ủy quyền không hợp lệ.
- Từ năm 2021, cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số Cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết (thay vì tỷ lệ ít nhất 51% như quy định cũ), tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định.
- Luật mới giảm mức sở hữu tối thiểu từ 10% xuống 5% để Cổ đông/nhóm Cổ đông được hưởng các quyền đặc biệt hơn; bỏ yêu cầu về thời gian nắm giữ liên tục 6 tháng; bổ sung quyền xem xét, tra cứu, trích lục các hợp đồng giao dịch phải được Hội đồng Quản trị thông qua; bỏ quyền yêu cầu triệu tập họp khi nhiệm kỳ của Hội đồng Quản trị cũ đã quá 6 tháng mà chưa được bầu lại.
- Luật mới bổ sung 3 quyền của ĐHĐCĐ để phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan về quản trị công ty và tình hình thực tiễn. Một là, quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát. Hai là, phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát. Ba là, phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.
(Nguồn tổng hợp: Đầu tư Chứng khoán, Cafef)